Thông cảm cho tôi đi!?

Con người dù có muốn hay không vẫn là một bộ phận của một nhóm, một xã hội, hay một quần thể. Con người trong cái gọi là xã hội đó sẽ có các mối quan hệ khác nhau, và mỗi mối quan hệ, mỗi một cái link sẽ có những vấn đề khác nhau.

Để nói về những vấn đề đó thì phải mất bao lâu? Đó là còn chưa kể bản thân tôi hiểu biết sâu rộng đến bao nhiêu mà đòi bàn đòi luận cái vấn đề đó?

Chỉ là chính bản thân cũng là con người của một xã hội, cũng có những mối quan hệ từ đơn giản đến phức tạp. Và bản thân tôi khi đang gặp vấn đề thì muốn viết ra một vài dòng để đưa bản thân ra khỏi cái nhìn của “chính mình”, để bản thân đủ sáng suốt và lý trí phân tích ra cái vấn đề người trong cuộc sẽ chẳng thể nào xử lý nổi. Khỏi nói cũng biết người trong cuộc thiếu cái lý trí và thừa cái cảm xúc đến mức nào.

Chắc hẳn mọi người ít nhiều cũng đã trải nghiệm qua, hai bên không thống nhất quan điểm hoặc có xích mích, trọng điểm là mỗi người đều có lỗi, hai tay vỗ mới kêu mà, nhưng ai cũng khăng khăng cố chấp bản thân mình là vậy, đối phương phải hiểu và đối phương phải thông cảm. Chuyện sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu chỉ có một bên cố chấp và một bên nhường nhịn. Chỉ là con người khi bị cảm xúc lấn át, khi họ trở nên thiển cận và chỉ có thể nghĩ đến bản thân, câu chuyện sẽ đi theo hướng mà mọi người đều hiểu, đều trải: cãi nhau đánh nhau rồi chia tay nhau… Bản tính con người vốn là vậy, tâm lý nói chung, dễ hiểu thôi.

Ai chẳng có điểm yếu, thay đổi được hay không? Có người nói quyết tâm sẽ thay đổi được, có người nói bản tính khó đổi. Tôi thấy cái gọi là điểm yếu là do người khác áp đặt, cái gì cũng chỉ là tương đối, khi cái điểm yếu đó phát huy được thế mạnh của chính nó thì lại được gọi là điểm mạnh ngay thôi, vì vậy, quan trọng là cách bạn thể hiện và ứng xử trong mỗi tình huống. Nhưng trong những trường hợp cảm xúc vượt mặt lý trí, ai để ý được nhiều như vậy, và rồi ai cũng sẽ có lý do cho rằng bản thân mình không phải người sai, đó là yếu điểm của tôi, tôi biết và bạn lẽ ra cũng phải biết và nên thông cảm cho tôi, và sau đó chúng ta lại nhìn nhau cười hề hề, cùng nắm tay nhau đi về phía chân trời. Có phải sẽ dễ dàng như vậy không?

Tính tôi vậy, thông cảm đi! Tôi thông cảm cho bạn thì ai thông cảm cho tôi?

Lại phát sinh thêm câu hỏi khác: Công bằng ở đâu? Trong một quyển tiểu thuyết tôi đã từng đọc có nói đại khái rằng do ai nhịn giỏi hơn thôi. Tôi nhịn giỏi hơn thì tôi nên nhường, còn bạn nhịn giỏi hơn thì bạn phải nhẫn, đó là cái gọi là thông cảm trong ý nghĩ của tôi, tại thời điểm hiện tại. Vậy thông cảm được đến bao giờ? Có ai nhịn mãi được đâu, trừ khi bản thân người đó vốn đã chẳng mấy quan tâm đến vấn đề/mối quan hệ đó. Và như bom nổ chậm đã đến giờ được hẹn, như con lạc đà gầy còm phải nhận thêm một sợi rơm nhỏ nhẹ lên cái đống gánh nặng nó đang phải còng lưng ra đỡ – Bùm! Hóa ra chúng ta chẳng thể nào đồng hành về phía cuối chân trời rạng rõ như tôi từng nghĩ. Tôi hiểu ra, tôi muốn níu kéo, nhưng có phải sẽ dễ dàng như vậy không?

Cách giải quyết đơn giản nhất mà tôi có thể nghĩ ra lúc này là chấp nhận buông bỏ vài thứ. No sacrifice no victory. Tôi muốn gì? Cái tôi của bản thân hay mối quan hệ? Khi mọi thứ đã không còn kịp (giả như bạn bộc lộ cái bản tính của bạn, cái điểm yếu của bạn ngay từ đầu cho người ta quen với việc đó, và sẽ khó xảy ra xích mích hơn) thì nên thế nào? Tùy, có những mối quan hệ tôi không muốn phải nhịn thì tôi sẵn sàng buông, có những mối quan hệ tôi muốn giữ thì tôi phải nhịn, và nhịn thế nào để cảm thấy thoải mái nhất có thể. Maybe là xem nhẹ cái vấn đề gây ra xích mích đó, maybe là tự khen ngợi chính mình, tự cho bản thân cái mác hào phóng, rộng lượng – người tốt đích thực và đối phương thật là may mắn khi quen biết mình, maybe là luyện cái nhịn và chuẩn bị tâm lý dần dần để tương lai có thể nhẹ nhàng say bye khi không nhịn nổi nữa….

Mỗi người mỗi phương pháp, tám nhảm vậy thôi!